Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
(*) Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vui lòng luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn chính xác cho tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn.
Chào Bác sỹ. Bé nhà em được 9 tháng tuổi. Từ lúc sinh ra em thấy đầu lưỡi của bé vuông (không nhọn), dây thắng lưỡi ở dưới gầm lưỡi nối dài đến gần hết đầu lưỡi. Hơn nữa em chưa bao giờ thấy bé thè lưỡi ra liếm môi bao giờ. Vậy em muốn cho cháu đi khám xem lưỡi của bé có bị ngắn không, có phát triển bình thường không thì nên khám vào khoảng thời gian nào là thích hợp ạ. Cảm ơn bác sỹ
BS.Vũ Ngọc Liêm
28/09/2015
Kính gửi chị Hiền, Không có khái niệm lưỡi ngắn, chỉ có hiện tượng dính thắng lưỡi , là một dị tật bẩm sinh dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi), làm hạn chế cử động bình thường của đầu lưỡi. Dính thắng lưỡi có thể gặp dạng dính thắng lưỡi nhiều còn gọi là dính thắng lưỡi hoàn toàn hoặc dạng dính thắng lưỡi nhẹ, còn gọi là dính thắng lưỡi một phần do thắng lưỡi ngắn. Dấu hiệu dính thắng lưỡi: Tùy thuộc lứa tuổi và mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít, biểu hiện lâm sàng dính thắng lưỡi như sau: - Thắng lưỡi ngắn, cử động lưỡi sang hai bên bị hạn chế. - Đầu lưỡi không thè ra khỏi bên ngoài môi được. - Đầu lưỡi không thể đụng lên phía trên nóc khẩu cái. - Điển hình của dính thắng lưỡi thường gặp là khi trẻ khóc, đầu lưỡi trẻ hình trái tim do cử động ra phía trước và ra sau của lưỡi bị giới hạn. - Đầu lưỡi khi thè lưỡi thay vì thấy nhọn thì có vẻ phẳng hay vuông. - Các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc làm giữa 2 răng cửa hàm dưới bị hở. - Trẻ bú khó và phát âm cũng khó khăn. Khi phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi ngay sau khi sinh cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt các bệnh viện Nhi để được đánh giá chính xác trẻ mức độ bị dính thắng lưỡi nhiều hay ít và có cần phải cắt hay không, vì có những trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi ít với dây thắng lưỡi mỏng thì không cần phải can thiệp phẫu thuật. Do đó, có những trẻ bị dính thắng lưỡi ngay sau khi sinh chỉ cần theo dõi và chỉ can thiệp khi nào trẻ bú khó. Chỉ định cắt thắng lưỡi tùy thuộc mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít và có ảnh hưởng đến việc bú, phát âm của trẻ. Trước đây dính thắng lưỡi thường được chỉ định cắt sớm ngay sau khi được chẩn đoán. Ngày nay thì có khuynh hướng chờ một thời gian sau, vì ngoài nguy cơ tác dụng phụ của gây tê, chảy máu và nhiễm trùng sau mỗ, thì việc cắt sớm dính thắng lưỡi có thể làm tổn thương cơ lưỡi. Thường chỉ cắt sớm dính thắng lưỡi khi thắng lưỡi bị dính nhiều ảnh hưởng đến việc bú của trẻ. Những trường hợp dính thắng lưỡi gây phát âm khó thì trẻ nên được bác sĩ Răng-Hàm-Mặt cùng chuyên viên phát âm đánh giá trước mỗ, vì ngoài nguyên nhân dính thắng lưỡi còn có những nguyên nhân khác làm trẻ phát âm không rõ. Chúc chị và gia đình mạnh khỏe. Bác sỹ Vũ Ngọc Liêm
Nguồn: icnm