Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
(*) Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vui lòng luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn chính xác cho tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn.
Vitamin C MKP 500 được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Hoá–Dược phẩm Mekophar, với thành phần chính Acid ascorbic, là thuốc dùng để phòng và điều trị bệnh scorbut (thiếu vitamin C), toan hoá nước tiểu và methemoglobin huyết vô căn. Viên nén tròn bao phim màu đỏ cam, một mặt có vạch ngang, một mặt có số 500.
Thông tin thành phần | Hàm lượng |
---|---|
Vitamin C | 500mg |
Thuốc Vitamin C MKP 500 được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
Acid ascorbic (vitamin C) là vitamin tan trong nước, có tính khử mạnh, có khả năng khử trong nhiều phản ứng sinh học oxy hóa–khử. Một số chức năng sinh học của acid ascorbic đã được xác định rõ ràng, gồm có sinh tổng hợp collagen, camnitin, catecholamine, tyrosine, corticosteroid và aldosteron. Vitamin C cũng tham gia như một chất khử trong hệ thống enzyme chuyển hóa thuốc cùng với cytochrome P450.
Hoạt tính của hệ thống enzyme chuyển hóa này sẽ bị giảm nếu thiếu vitamin C. Vitamin C cần thiết để tổng hợp collagen và các thành phần của mô liên kết. Vitamin C còn điều hòa hấp thu, vận chuyển và dự trữ sắt.
Vitamin C là một chất bảo vệ chống oxy hóa hữu hiệu bằng cách loại bỏ ngay các loại oxy, nitơ phản ứng (các ROS, RNS như các gốc hydroxy, peroxyl, superoxide, peroxynitrite và nitroxide), các oxy tự do và các hypochlorite, là những gốc tự do gây độc hại cho cơ thể.
Nhu cầu hàng ngày thông qua chế độ ăn cần khoảng 30–100 mg vitamin C đối với người lớn. Tuy nhiên, nhu cầu này thay đổi tùy theo từng người. Thiếu hụt vitamin C xảy ra khi thức ăn cung cấp không đầy đủ lượng vitamin C cần thiết, dẫn đến bệnh scorbut.
Thiếu hụt vitamin C rất hiếm xảy ra ở người lớn, nhưng có thể thấy ở trẻ nhỏ, người nghiện rượu hoặc người cao tuổi. Thiếu hụt vitamin C biểu hiện ở triệu chứng dễ chảy máu (mạch máu nhỏ, chân răng, lợi), thành mao mạch dễ vỡ, thiếu máu, tổn thương sụn và xương, chậm liền vết thương. Dùng vitamin C làm mất hoàn toàn các triệu chứng trên.
Hấp thu:
Vitamin C được hấp thu dễ dàng sau khi uống. Tuy vậy, hấp thu là một quá trình tích cực và có thể bị hạn chế sau những liều rất lớn. Cung cấp thường xuyên vitamin C thông qua chế độ ăn từ 30–180 mg hàng ngày, khoảng 70–90% được hấp thu.
Uống liều trên 1 g hàng ngày, sự hấp thu giảm xuống còn khoảng 80% hoặc ít hơn. Trong nghiên cứu trên người bình thường, chỉ có khoảng 50% của một liều uống 1,5 g vitamin C được hấp thu.
Hấp thu vitamin C ở dạ dày–ruột có thể giảm ở người tiêu chảy hoặc có bệnh về dạ dày–ruột. Nồng độ vitamin C bình thường trong huyết tương khoảng 10–20 mcg/mL. Nồng độ trong huyết tương dưới 1–1,5 mcg/mL khi mắc bệnh scorbut. Tổng lượng vitamin C dự trữ trong cơ thể ước tính khoảng 1,5 g với khoảng 30–45 mg được luân chuyển hàng ngày.
Phân bố:
Vitamin C phân bố rộng rãi trong các mô cơ thể. Nồng độ vitamin C cao được tìm thấy ở gan, bạch cầu, tiểu cầu, mô tuyến và thủy tinh thể của mắt. Khoảng 26% vitamin C trong huyết tương kết hợp với protein. Vitamin C đi qua được nhau thai và phân bố trong sữa mẹ.
Chuyển hoá–thải trừ:
Acid ascorbic oxy hóa thuận nghịch thành acid dehydroascorbic. Một ít acid ascorbic chuyển hóa thành những hợp chất không có hoạt tính gồm ascorbic acid-2-sulfate và acid oxalic được bài tiết trong nước tiểu.
Ngưỡng đảo thải acid ascorbic qua thận khoảng 14 mcg/mL, ngưỡng này có thể thay đổi tuỳ theo từng người. Khi cơ thể bão hòa acid ascorbic và nồng độ máu vượt quá ngưỡng, acid ascorbic không biến đổi được và đào thải vào nước tiểu.
Thuốc Vitamin C MKP 500 dùng đường uống. Nên uống thuốc khi no, không nên uống thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Liều dùng: Theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Liều đề nghị:
Trẻ em:
Bệnh scorbut: Uống 100–300 mg/ngày, chia làm nhiều lần. Nên dùng chế phẩm khác có hàm lượng phù hợp hơn.
Toan hóa nước tiểu: Uống 500 mg/lần, cách 6–8 giờ uống 1 lần.
Người lớn:
Bệnh scorbut: Uống 100–250 mg/lần x 1–2 lần/ngày.
Toan hóa nước tiểu: Uống 4–12 g/ngày, chia làm 3–4 lần.
Methemoglobin huyết vô căn: Uống 300–600 mg/ngày, chia thành nhiều liều nhỏ.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Gây lợi tiểu bằng truyền dịch có thể có tác dụng sau khi uống liều lớn.
Nếu bạn quên một liều thuốc Vitamin C, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Khi sử dụng thuốc Vitamin C MKP 500, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).
Thường gặp, ADR > 1/100
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Máu: Thiếu máu tán huyết.
Tim mạch: Đỏ bừng, suy tim.
Thần kinh trung ương: Ngất, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, buồn ngủ.
Dạ dày–ruột: Buồn nôn, nôn, ợ nóng, đau bụng, co thắt cơ bụng, đầy bụng, tiêu chảy.
Thần kinh–cơ và xương: Đau cạnh sườn.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Không nên cho người bệnh ngừng đột ngột sau khi uống vitamin C liều cao trong thời gian dài để phòng ngừa bệnh scorbut tái phát, do có sự cảm ứng quá trình chuyển hóa vitamin C vì đó là một đáp ứng sinh lý và là hậu quả của dùng vitamin C liều cao trước đó.
Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ những phản ứng có hại gặp phải khi sử dụng thuốc.
Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30°C.
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
Thuốc Vitamin C MKP 500 chống chỉ định trong các trường hợp sau:
Mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
Không dùng vitamin C liều cao cho người bệnh bị thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase (nguy cơ thiếu máu tán huyết).
Uống vitamin C liều cao, kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng kém dung nạp thuốc, do đó khi giảm liều sẽ dẫn đến thiếu hụt vitamin C.
Uống liều lớn vitamin C trong khi mang thai sẽ dẫn đến bệnh scorbut ở trẻ sơ sinh.
Tăng oxalate niệu và sự hình thành sỏi calci oxalate trong thận có thể xảy ra sau khi dùng liều cao vitamin C. Nên tránh dùng vitamin C liều cao cho người bệnh bị sỏi calci oxalate ở thận. Nếu cần thiết phải dùng nên theo dõi chặt chẽ oxalate niệu. Dùng thận trọng ở người bệnh có tiền sử sỏi thận, tăng oxalate niệu và rối loạn chuyển hóa oxalate (tăng nguy cơ sỏi thận), bị bệnh thalassemia (tăng nguy cơ hấp thu sắt).
Vitamin C có thể gây acid hóa nước tiểu, đôi khi dẫn đến kết tủa urate, cystine, sỏi oxalate hoặc thuốc trong đường tiết niệu.
Người bệnh thiếu hụt men glucose-6-phosphate dehydrogenase uống liều cao vitamin C có thể bị chứng tan máu.
Dùng liều cao vitamin C có thể gây huyết khối tĩnh mạch sâu.
Uống quá mức và kéo dài các chế phẩm chứa vitamin C có thể gây nên sự ăn mòn men răng.
Dùng vitamin C có thể làm sai lệch các kết quả xét nghiệm glucose trong nước tiểu (dương tính giả khi dùng thuốc thử sulfate đồng hoặc âm tính giả khi dùng phương pháp glucose oxidase).
Uống vitamin C liều cao trong thời gian dài có thể gây bệnh cơ tim nguy hiểm ở người có lượng sắt dự trữ cao hoặc người bị nhiễm sắc tố sắt mô.
Thận trọng khi sử dụng cho người lái xe và vận hành máy móc, người làm việc trên cao và các trường hợp khác vì thuốc có thể gây đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
Vitamin C đi qua được nhau thai. Uống vitamin C liều cao, kéo dài có thể làm tăng nhu cầu về vitamin C và dẫn đến bệnh scorbut ở trẻ sơ sinh. Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Vitamin C phân bố trong sữa mẹ. Cần thận trọng khi sử dụng vitamin C liều cao và kéo dài đối với phụ nữ cho con bú.
Dùng đồng thời theo tỷ lệ trên 200 mg vitamin C với 30 mg sắt nguyên tố làm tăng hấp thu sắt qua đường dạ dày–ruột. Tuy vậy, đa số người bệnh đều có khả năng hấp thu sắt đường uống đầy đủ mà không phải dùng đồng thời với vitamin C.
Dùng đồng thời vitamin C với aspirin làm tăng bài tiết vitamin C và giảm bài tiết aspirin trong nước tiểu.
Salicylate ức chế bạch cầu và tiểu cầu hấp thu vitamin C. Do đó, nồng độ vitamin C ở bạch cầu và ở huyết tương bị giảm, chỉ cao hơn chút ít so với nồng độ của người bị thiếu hụt vitamin C ở mô. Tuy vậy, cho đến nay chưa có bằng chứng cho thấy liệu pháp salicylate thúc đẩy tình trạng thiếu vitamin C. Tuy bổ sung vitamin C cho người đang dùng salicylate, nồng độ vitamin C trong huyết tương tăng, nhưng nồng độ vitamin C trong bạch cầu và các mô cơ thể không tăng. Do đó, bổ sung vitamin C cho người đang dùng salicylate là không đảm bảo. Tuy vậy, người bệnh dùng liều cao salicylate mà không có bất cứ triệu chứng nào của thiếu vitamin C cũng cần phải đánh giá tình trạng thiếu hụt.
Dùng đồng thời vitamin C và fluphenazine làm giảm nồng độ fluphenazine trong huyết tương.
Sự acid hóa nước tiểu sau khi dùng vitamin C có thể làm thay đổi sự bài tiết của các thuốc khác.
Vitamin C liều cao có thể phá hủy vitamin B12. Cần khuyên người bệnh tránh uống vitamin C liều cao trong vòng 1 giờ trước hoặc sau khi uống vitamin B12.
Vitamin C có thể làm giảm hấp thu selen (uống cách nhau ít nhất 4 giờ).
Vitamin C có thể làm tăng tác dụng của nhôm hydroxide và làm giảm tác dụng của amphetamine.
Vitamin C là một chất khử mạnh nên ảnh hưởng nhiều đến các xét nghiệm dựa trên phản ứng oxy hóa–khử. Sự có mặt vitamin C trong nước tiểu làm tăng giả lượng glucose nếu định lượng bằng thuốc thử đồng (II) sulfate và giảm giả tạo lượng glucose nếu định lượng bằng phương pháp glucose oxydase.
Đã có một vài báo cáo vitamin C làm giảm tác dụng chống đông máu của warfarin nhưng không chắc chắn.
Tương kỵ của thuốc: Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
Dược lực học là nghiên cứu các ảnh hưởng sinh hóa, sinh lý, và phân tử của thuốc trên cơ thể và liên quan đến thụ thể liên kết, hiệu ứng sau thụ thể, và tương tác hóa học. Dược lực học, với dược động học, giúp giải thích mối quan hệ giữa liều và đáp ứng, tức là các tác dụng của thuốc. Đáp ứng dược lý phụ thuộc vào sự liên kết của thuốc với đích tác dụng. Nồng độ thuốc ở vị trí thụ thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Dược động học là những tác động của cơ thể đối với thuốc trong suốt quá trình thuốc đi vào, ở trong và đi ra khỏi cơ thể- bao gồm các quá trình hấp thụ, sinh khả dụng, phân bố, chuyển hóa, và thải trừ.
Tác dụng phụ là những triệu chứng không mong muốn xảy ra khi chúng ta uống thuốc. Các tác dụng phụ này có thể không nghiêm trọng, chẳng hạn chỉ gây đau đầu hoặc khô miệng. Nhưng cũng có những tác dụng phụ đe dọa tính mạng. Cẩn phòng tránh tác dụng phụ của thuốc như: Thông báo các loại thuốc đang sử dụng với bác sĩ, các bệnh lý nền hiện tại, các tương tác của thuốc đến thực phẩm hằng ngày. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và nếu gặp tác dụng phụ cần báo ngay cho bác sĩ.
Sử dụng thuốc đúng cách là uống thuốc theo chỉ dẫn của dược sĩ, bác sĩ. Ngoài ra không dùng nước quả, nước khoáng hoặc các loại nước ngọt đóng hộp có gas để uống thuốc. Không dùng sữa để uống thuốc vì trong thành phần của sữa có chứa canxi. Không dùng cà phê hay nước chè để uống thuốc. Chỉ nên uống cùng nước lọc.
Có các dạng bào chế thuốc như Theo thể chất: Các dạng thuốc thể rắn (thuốc bột, thuốc viên). Các dạng thuốc thể mềm (thuốc cao, thuốc mỡ, gel). Các dạng thuốc thể lỏng (dung dịch, hỗn dịch, nhũ dịch, xiro). Theo đường dùng: Các dạng thuốc uống (viên, bột, dung dịch, nhũ dịch, hỗn dịch). Các dạng thuốc tiêm (dung dịch, hỗn dịch, nhũ dịch, bột pha tiêm, dịch truyền). Các dạng thuốc dùng ngoài (thuốc bôi trên da, thuốc nhỏ lên niêm mạc, thuốc súc miệng). Các dạng thuốc đặt vào các hốc tự nhiên trên cơ thể (thuốc đặt hậu môn, thuốc trứng đặt âm đạo...).
Đã kiểm duyệt nội dung bởi:
Dược sĩ Đại học Nguyễn Thanh Hải
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...
Nguồn: nhathuoclongchau